logo tượng công giáo Filumena

Tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Tín điều Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Ngày 8 tháng 12 hàng năm là lễ trọng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngay từ thời nguyên thủy của Hội thánh, chúng ta đã tin Đức Maria được ơn Vô nhiễm Nguyên tội. Mầu nhiệm này đã được Đức Giáo hoàng Pio IX định tín ngày 08/12/1854.

Sau đó 4 năm, vào năm 1858, chính Đức Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức cả thảy 18 lần. Mẹ đã nói với thánh nữ Bernadette “Que soy era Immaculada Concepciou” . Lời khẳng định đó có nghĩa là: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội“.

Tác phẩm Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội sáng tác bởi họa sỹ Tiepolo (1768).
Kiệt tác hội họa “Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội” sáng tác bởi họa sỹ Tiepolo (1696-1770) vào năm 1768 không lâu trước khi họa sỹ qua đời.

Dưới đây là một số điểm trong Giáo lý giải thích tín điều này. Nội dung có nguồn gốc từ trang thông tin chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Giáo lý Công giáo về Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

Vô nhiễm nguyên tội nghĩa là gì?

Nhiều người nghĩ “Vô nhiễm Nguyên tội” là nói đến việc Đức Maria mang thai Chúa Giêsu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Điều đó không phải như thế! “Vô nhiễm Nguyên tội” muốn nói đến việc chính Đức Maria đã thành thai cách đặc biệt trong lòng mẹ.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy như sau: “Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy. Lúc Truyền tin, sứ thần Gabriel đã chào Mẹ là người “đầy ơn phúc”.

Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”, nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai.

Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, do Đức Giáo hoàng Piô IX công bố năm 1854, tuyên xưng: Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội” (số 490, 491).

Điều đó có nghĩa là Đức Maria không bị vướng mắc vào một tội lỗi nào cả từ khi thụ thai trong lòng mẹ.

Phải chăng Đức Mẹ không bao giờ phạm tội?

Đúng thế. Vì Mẹ được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai nên Mẹ được bảo vệ không những khỏi tội tổ tông truyền mà còn cả các tội riêng. “Các Giáo phụ truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào” (SGLHTCG số 493).

Như thế, Mẹ đã được sinh ra trong tình trạng không mắc tội tổ tông truyền và giữ được tình trạng vô tội đó suốt cả cuộc đời của mình.

Nếu Đức Maria không phạm tội nào, phải chăng Đức Maria không cần đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu?

Không phải thế. “Sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị được ban cho Mẹ ngay từ lúc tượng thai, tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ vào công nghiệp của Chúa Giêsu, Con của Mẹ” (SGLHTCG số 492).

Có thể so sánh Đức Maria với bà Eva trong Kinh Thánh không?

Adam và Eva đều được tạo dựng trong sự thánh thiện, không mang vết nhơ nguyên tội, nhưng họ đã sa ngã, đánh mất ân sủng, và cả nhân loại bị ảnh hưởng.

Chúa Kitô và Đức Maria cũng sinh ra trong sự thánh thiện và các ngài luôn trung thành với Thiên Chúa. Chúa Kitô được gọi là Adam mới, Đức Mẹ được gọi là Eva mới.

“Cùng với thánh Irênê, nhiều Giáo phụ cũng giảng dạy rằng: Nút dây do sự bất tuân của bà Eva thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Eva đã buộc lại do sự cứng lòng tin, nay Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin; và so sánh với bà Eva, các ngài gọi Đức Maria là ‘Mẹ chúng sinh’, và quả quyết rằng: Sự chết qua bà Eva, sự sống qua Đức Maria” (SGLHTCG số 494).

Chúng ta phải tôn kính Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội thế nào?

Đức Mẹ là gương mẫu tuyệt vời về đức tin và đức mến cho Hội Thánh, vì thế mỗi tín hữu Công giáo phải chiêm ngắm Mẹ để noi gương sống đức tin và đức mến trong mọi hoàn cảnh.

Đồng thời, Đức Mẹ cũng là Mẹ chúng ta trong lãnh vực ân sủng, và Mẹ không ngừng chuyển cầu cho chúng ta; vì thế trong Hội Thánh Công giáo, Đức Mẹ được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ. Chúng ta hãy đến với Đức Mẹ và cầu xin Mẹ nâng đỡ trong hành trình sống đời Kitô hữu của mình.

Tượng Đức Mẹ Lộ Đức chụp cận cảnh

Tượng Đức Mẹ Lộ Đức

10% giá trị mỗi tác phẩm là đóng góp của quý vị để bảo vệ Sự sống, giúp đỡ người nghèo, người bệnh và nâng đỡ trẻ em khó khăn

Quỹ Filumena tặng dịch vụ lưu trữ website cho các hội, nhóm bác ái