logo tượng công giáo Filumena

Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức

Giới thiệu cuộc hành hương quốc gia tại Pháp

Filumena đã có may mắn được đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức nhân dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 15/08/2023, một ngày đại lễ của người Công giáo trên toàn thế giới. Riêng tại nước Pháp, Đức Mẹ đã luôn có một vị trí đặc biệt. Ngày 10/02/1638, cách đây gần 4 trăm năm, vua Louis XIII của nước Pháp đã ký sắc lệnh dâng vương quốc của mình cho Đức Mẹ. Tới năm 1920, vào năm đầu tiên triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Pio XI đã tuyên bố Đức Mẹ là quan thầy đệ nhất của nước Pháp.

Vì tình yêu Đức Mẹ như thế, cuộc hành hương toàn nước Pháp (Pèlerinage National) là cuộc hành hương lớn nhất trong nước. Cuộc hành hương Lộ Đức này diễn ra trong một vài ngày trước và sau ngày Đại lễ 15/08. Trong những ngày đó, người Công giáo Pháp từ tất cả các giáo phận đổ về đây. Rất nhiều người trong số đó là những người đau yếu, bệnh tật, không tự đi lại được. Những người này sẽ được giúp đỡ bởi những tình nguyện viên. Đây là điểm đặc biệt nhất kể từ cuộc hành hương toàn quốc đầu tiên năm 1873 cách đây 150 năm.

Điều này thể hiện tinh thần của Giáo hội Công giáo coi những người đau yếu và nghèo khổ nhất là “kho tàng” của mình, đồng thời đề cao tình bác ái giữa con người với nhau.

nguoi hanh huong giup do nhau lo duc

Các công trình lớn trên thánh Địa

Quảng trường Đức Mẹ Mân Côi

Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 50 hecta, cạnh một dòng sông tên là Gave, trên dãy núi Pyrénéee, vùng Occitanie, miền tây nam nước Pháp. Vùng này không cách xa nước Tây Ban Nha. Trong một chuyến hành hương châu Âu, Lộ Đức là một điểm đến không thể thiếu. Từ đó, quý vị có thể tiếp tục đi tới nhiều thánh địa khác ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Ý.

Vị trí Thánh địa Lộ Đức nơi Đức Mẹ hiện ra vào năm 1858 tại miền núi Pyrénées giữa hai nước Pháp và Tây Ban Nha
Vị trí Thánh địa Lộ Đức nơi Đức Mẹ hiện ra vào năm 1858

Cổng vào chính được đặt tên là Cổng Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e. Một cổng ở phía bên cạnh là cổng Thánh Giu-se. Từ lối vào, người hành hương sẽ bước tới quảng trường Đức Mẹ Mân Côi ở phía trước của Vương cung Thánh đường cùng tên.

Ở giữa quảng trường có đặt tượng Đức Mẹ Lộ Đức đội triều thiên. Tác phẩm điêu khắc này được sáng tác bởi nghệ sỹ Josef-Ignaz Raffl năm 1871.

quang truong duc me man coi hanh huong lo duc
tuong duc me lo duc tai thanh dia

Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Ngày 02/03/1868, trong lần thứ 13 hiện ra cùng thánh nữ Bernadette, Đức Mẹ đã nói: « Allez dire aux prêtres que l’on bâtisse ici une chapelle et que l’on y vienne en procession. » “Con hãy nói với các linh mục xây dựng tại đây một nhà nguyện và đến rước”. Ngày nay, tại Thánh địa Lộ Đức không chỉ có một nhà nguyện mà có tới 3 Vương cung Thánh đường.

Trong số đó, Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội là lâu đời nhất, được xây dựng trong một thập kỷ từ năm 1862 tới năm 1872. Thánh đường nằm ngay trên tảng đá lớn có hang Massabielle nơi Đức Mẹ hiện ra. Nếu nhìn từ bên cạnh sẽ thấy bàn thờ nằm trên trục thẳng đứng từ hang đá.

Kiến trúc sư thiết kế là Hippolyte Louis Durand (1801-1882), một người vô cùng yêu mến Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Thánh đường được thiết kế theo phong cách neogothique, đặc trưng bởi tháp chuông cao vút lên bầu trời. Tính từ mặt sông Gave, tháp chuông cao 93 m. Kích thước các chiều dài, rộng và cao lần lượt là 51, 21 và 19 m.

vuong cung thanh duong duc me vo nhiem nguyen toi
Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Trong lòng của Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội có một tầng hầm gọi là Crypte. Đây chính là nhà nguyện đầu tiên được khánh từ năm 1866. Đây cũng là công trình duy nhất tại Thánh địa mà thánh nữ Bernadette Soubirous nhìn thấy khi còn sống.

Phía trong Thánh đường có những cửa sổ kính màu tuyệt đẹp miêu tả 18 lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi

Tiếp đến là Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi nằm ở ngay dưới Vương Cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Nếu như Thánh đường Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội vút lên trời theo chiều cao, thì Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi lại trải ra theo chiều rộng.

Thánh đường được thiết kế bởi kiến trúc sư Léopold Amédée Hardy (1828-1894). Viên đá đầu tiên được đặt ngày 16/07/1883 đúng 25 năm sau lần thứ 18 cũng là lần cuối cùng Đức Mẹ hiện với Bernadette. Tới năm 1889, việc xây dựng cơ bản được hoàn thành. Nhưng việc trang trí Thánh đường thì cần tới 18 năm, tức là tới năm 1907 mới xong.

Nổi bật nhất cả phía mặt tiền và phía trong nhà thờ là những tranh mosaic, tức là tranh ghép mảnh hoặc tranh khảm.

vuong cung thanh duong duc me lo duc scaled e1695579996593
Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi

Vương cung Thánh đường Pio X

Vương cung Thánh đường Pio X được khánh thành năm 1958 vừa đúng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra. Thánh đường được đặt tên theo Thánh Giáo hoàng Pio X. Đây là một Vương cung Thánh đường ngầm trong lòng đất, nằm thấp hơn mực nước sông Gave bên cạnh. Từ cổng chính Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-e đi vào, Thánh đường này nằm ở phía bên tay trái.

Thánh đường có hình ê-lip, dài 201 m, rộng 81 m, và điểm cao nhất ở giữa là 10 m. Với diện tích 12000 m2, Thánh đường có thể chứa tới 25000 giáo dân. Kiến trúc Thánh đường mô phỏng khung của một con tàu úp ngược để che mưa, che nắng. Ở trong Thánh đường có trưng bày Thánh tích của 2 Thánh Giáo hoàng Pio X và Gio-an Phao-lô II.

vuong cung thanh duong pio x thanh dia lo duc
Vương cung Thánh đường Pio X

Nhà chầu Thánh thể và nhà thờ Thánh Bernadette

Ở bên kia sông Gave có một nhà thờ mang tên Thánh nữ Bernadette. Ngay bên cạnh đó là một nhà chầu Thánh thể mở cửa từ sáng tới 17 giờ chiều cho tới khi bắt đầu buổi rước kiệu Thánh thể. Đoàn rước sẽ bắt đầu từ lều Thánh thể nằm đối diện với hang đá Massabielle, đi vòng quanh Thánh địa và kết thúc trong Thánh đường Pio X. Trong những ngày đặc biệt, đoàn rước Thánh thể sẽ kết thúc tại quảng trường Đức Mẹ Mân Côi. Ngoài ra, còn có một nhà khách có thể đón tiếp 800 người hành hương đau yếu cùng lúc.

Hang đá Massabielle nơi Đức Mẹ Lộ Đức hiện ra

Trung tâm của Thánh địa cũng là nơi mỗi người tìm tới trong chuyến hành hương Đức Mẹ Lộ Đức là hang đá Massabielle nơi Đức Mẹ hiện ra. Từ quảng trường Đức Mẹ Mân Côi, đi về bên phải về phía bờ sông khoảng 50 m chúng ta sẽ tới gần hang đá. Massabielle là tiếng địa phương, có nghĩa là “tảng đá cổ”.

Hang đá cao 3,8 m, dài 9,5 m, rộng 10 m. Ở phía trên góc trái của hang đá lớn là một hang nhỏ nơi Đức Mẹ đã hiện ra. Tượng Đức Mẹ được sáng tác năm 1861 bởi nghệ sỹ điêu khắc Joseph-Hugues Fabisch (1812-1886). Nghệ sỹ đã dựa trên những miêu tả của Thánh nữ Bernadette để sáng tác tác phẩm này. Đức Mẹ là một người phụ nữ “xuất hiện giữa ánh sáng, đẹp hơn tất cả”, mặc váy trắng, đội khăn choàng trắng, thắt lưng màu xanh da trời và hoa hồng vàng trên mỗi bàn chân.

duc me lo duc hien ra tai hang da massabielle e1695578745339
Tượng Đức Mẹ Lộ Đức tại hang đá Massabielle

Vào lúc 9h tối mỗi ngày, sẽ có một đoàn rước kiệu Đức Mẹ xuất phát từ gần phía hang đá. Đoàn rước sẽ lần hạt Mân Côi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Cuối cùng tất cả sẽ tập trung tại quảng trường Đức Mân Côi.

ruoc nen duc me lo duc e1695578658412
Rước nến Đức Mẹ Lộ Đức

Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle

Hãy cùng nhìn lại bối cảnh Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức với em bé Bernadette Soubirous, người sau này đã trở thành một nữ tu và một vị thánh của Giáo hội.

Vào những năm 1850, Lộ Đức là một thành phố nhỏ nằm ở vùng núi Pyrenes phía tây nam của nước Pháp. Có một con sông nhỏ tên là Gave chảy qua. Bình thường thì nước sông cạn tới mức có thể lội qua được và chỉ dâng cao sau những trận mưa lớn. Vào năm 1858, có khoảng 4300 dân sống tại Lộ Đức. Đất đai trong vùng cằn cỗi khó trồng cấy. Mùa hè, người dân chăn cừu. Mùa đông, dân vào rừng kiếm củi để sưởi.

Trong những năm đó, nước Pháp có nhiều biến động chính trị như đảo chính, thay đổi chế độ từ Cộng hòa sang Đế quốc, đời sống kinh tế xã hội có nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời gian có nhiều dịch bệnh. Trận dịch tả 1854-1855 đã làm 150 000 người chết tại Pháp, riêng tại Lộ Đức là 30 người. Chính Bernadette khi đó khoảng 10 tuổi đã bị bệnh tả, nhưng may mắn không chết. Thêm vào đó, Bernadette còn bị bệnh hen suyễn rất nặng.

Ngày 7/2/1844, con gái đầu lòng của ông bà François và Louise Soubirous được sinh trong cối xay Boly là nơi sinh sống và làm việc của gia đình. Em bé được đặt tên là Marie-Bernarde Soubirous. Sau này, Marie-Bernarde được mọi người yêu mến gọi là Bernadette. Bernadette lớn lên cùng với một em gái và ba em trai. Ông bà Soubirous còn có bốn người con khác đều qua đời khi còn rất nhỏ.

st bernadette
Thánh nữ Bernadette Soubirous

Công việc trong cối xay càng ngày càng khó khăn. Tới năm 1854 thì ông bà Soubirous phá sản. Gia đình phải dọn ra khỏi cỗi xay. Trải qua một số chỗ ở tạm, cuối cùng tới năm 1856, gia đình về ở trong một căn phòng nhỏ vốn trước kia là phòng giam của nhà tù, gọi là “cachot”. Gia đình 6 người cùng ở trong phòng 16 m2, rộng 3,7 dài 4,4 m. Để giúp gia đình, Berndatte đi làm giúp việc. Em vẫn chưa tới trường học và vì không biết chữ nên cũng không được học giáo lý.

Tuy nghèo nhưng gia đình Soubirous yêu thương nhau, sống có Đức Tin và luôn cùng nhau cầu nguyện, đặc biệt là lần hạt Mân Côi. Vì lẽ đó, Bernadette lúc nào cũng mang trong mình chuỗi hạt Mân Côi. Chi tiết này trở thành cực kỳ quan trọng trong những lần Bernadette nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra sau này.

Tháng 3 năm 1857, trong thành phố có một vụ trộm 2 bao bột trong một cối xay. Người chủ cối xay nghi ngờ ông Soubirous ăn trộm, vì ông đã từng làm thuê ở đó và gia cảnh hiện quá túng thiếu. Bị người chủ tố cáo, ông Soubirous bị thanh tra cảnh sát Jacomet bắt giam. Ông Soubirous một mình khẳng đình mình không ăn trộm. Sau 8 ngày, không có chứng cớ nào buộc tội ông thành ra ông được thả. Người thanh tra cảnh sát tên Jacomet sau này sẽ vô tình giúp ích nhiều cho việc ghi chép lại các lần Đức Mẹ hiện ra.

Đến tháng 9 năm 1857, Bernadette đi chăn cừu và giúp việc ở một làng bên cạnh. Tuy ông Soubirous rất hay tới thăm con, nhưng Bernadette vẫn rất buồn và khổ tâm. Phần vì nhớ gia đình, phần vì em mong muốn được về nhà để học giáo lý và rước lễ lần đầu. Ngày 19/01/1858, Bernadette về thăm nhà và ở luôn đó.

Đức Mẹ hiện ra

Lần thứ nhất

Ngày 11/02/1858, Bernadette đi kiểm củi ở gần bờ sông Gave cạnh hang đá Massabielle. Đột nhiên, em nghe thấy một tiếng như tiếng gió nhưng không thấy cây cối lay động. Bỗng nhiên, Bernadette nhìn thấy phía trên hang đá xuất hiện một người phụ nữ « une dame plus belle que tout enveloppée de lumière » “xuất hiện giữa ánh sáng, đẹp hơn tất cả”. Bà mặc váy trắng, đội khăn choàng trắng, thắt lưng màu xanh da trời và hoa hồng vàng trên mỗi bàn chân. Người phụ nữ mỉm cười với Bernadette.

Bernadette thấy sự việc lạ lùng, liền đưa tay làm dấu Thánh giá. Nhưng em không thể cử động được. Chỉ đến khi người phụ nữ bắt đầu đưa tay cùng làm dấu thì Bernadette mới có thể tiếp tục. Sau đó, Bernadette bắt đầu lần chuỗi hạt Mân Côi mà em mang bên mình. Người phụ nữ cùng lần hạt với Bernadette, nhưng không nói một lời. Khi vừa lần hạt xong thì Bà biến mất. Bernadette về kể cho bố mẹ, nhưng ông bà không tin.

duc me lo duc hien ra lan 1
Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức lần thứ nhất

Lần thứ hai

Ngày 14/02/1858, Bernadette trở lại hang dù bị cha mẹ cấm. Tới hang Massabielle, Bernadette quỳ gối và lần hạt. Sau 10 kinh Kính Mừng Maria đầu tiên, người phụ nữ hiện ra, mỉm cười với em. Bernadette rảy nước phép. Bà chỉ mỉm cười, vẫn không nói gì.

Lần thứ 3, ngày 18/02/1858, Bernadette hỏi xin Bà viết tên của mình. Bà nói “Điều này không cần thiết”. Và nói thêm: “Ta không hứa sẽ làm con hạnh phúc ở đời này mà ở đời sau. Con có vui lòng tới đây trong 15 ngày không?”. Sau này Bernadette nói rằng chưa có ai nói với em và nhìn em như vậy. Em, một người nghèo đói, thất học, bệnh tật chưa từng được người xưng hộ một cách trân trọng như vậy. Trong tiếng Pháp cũng như tiếng Việt, thì có những cách xưng hô thể hiện sự tôn trọng dành cho người đối diện.

duc me lo duc hien ra lan 2 1
Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức lần thứ hai

Những lần tiếp theo

Trong những ngày tiếp theo, Bernadette tới hang đá theo như lời người phụ nữ đã nói. Đồng thời em liên tục bị thanh tra Jacomet tra hỏi khi bắt đầu có lời bàn tán trong thành phố về việc này. Do có sẵn sự ngờ vực gia đình Soubirous nên ông này không tin và vô cùng chống đối những gì em bé Bernadette miêu tả. Thanh tra tìm đủ mọi cách để làm em thay đổi lời khai hay không tới hang đá nữa.

Đồng thời, ông Jacomet đã tự mình ghi lại rất nhiều thông tin về bối cảnh và chi tiết của từng lần Đức Mẹ hiện ra, như những việc xảy đến và phản ứng của Bernadette, đám đông và những phép lạ đầu tiên. Những ghi chép khách quan và chi tiết này đều được lưu lại tại thư khố của Thánh địa.

Thanh tra Jacomet dụ dỗ, dọa nạt để em chối bỏ những gì em nhìn thấy, thừa nhận mình nhìn lầm, nói dối và cấm em quay lại hang đá. Về phần Bernadette, em trả lời với sự chắc chắn, cẩn trọng và kiên quyết đáng kinh ngạc ở một bé gái mà không được ai chỉ cho. Bernadette đã nói những gì em thấy một cách độc lập, tự do thật kinh ngạc: “Cháu được giao nhiệm vụ nói cho mọi người biết chứ không phải là làm cho mọi người tin”.

Bernadette miêu tả những lần hiện ra chính xác, chẳng thêm mà cũng không bớt điều gì. Trong văn bản chính thức của Giáo hội về những lần Đức Mẹ hiện ra, Đức Cha Laurence nhấn mạnh về “sự giản đơn, ngây thơ và khiêm nhường của đứa trẻ này.

Em miêu tả tất cả mà chẳng tỏ vẻ gì là thiếu tự nhiên cả, em chân thành đến mức cảm động và người ta hỏi em biết bao nhiêu câu em đều trả lời không do dự, một cách rõ ràng, chính xác cùng với cả một niềm tin sắt đá”. Chẳng màng tới những sự đe dọa cũng như những chào mời bổng lộc, “sự trung thực của Bernadette là không bàn cãi được: em không có ý định lừa dối ai cả”.

Đức Mẹ nhắn nhủ “Hãy sám hối”

Ngày 24/02, người phụ nữ nói với Bernadette « Pénitence ! Pénitence ! Pénitence ! Priez Dieu pour la conversion des pécheurs ! ». “Sám hối! Sám hối! Sám hối! Hãy xin Thiên Chúa ơn hoán cải cho các tội nhận.!“. Ngày 25/02, Bà đã chỉ cho Bernadette suối nước ở trong hang và nói “Allez boire à la source et vous y laver” “Các con hãy đến uống và rửa ở nguồn nước này”.

duc me lo duc keu goi an nan sam hoi
Đức Mẹ nhắn nhủ “Các con hãy sám hối và xin Thiên Chúa ơn hoán cải cho các tội nhân”

“Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”

Ngày 02/03, người phụ nữ nói với Bernadette về nói với các linh mục xây nhà nguyện và tới rước. Khi nghe Bernadette thuật lại, cha xứ Peyramale không tin việc này. Cha yêu cầu Bernadette nhất định phải hỏi tên của Bà. Tới hôm sau, khi em hỏi, Bà chỉ mỉm cười. Ngày hôm sau nữa cũng vậy.

Lúc này, chính quyền đã ngăn cấm không cho ai tới hang đá nữa. Bernadette liên tục bị thẩm vấn và tiếp tục trung thực nói những gì mình nghe và thấy.

Tới ngày 25/03, Bernadette mới trở lại hang. Đây là lần hiện ra thứ 16 của người phụ nữ. Bernadette lại hỏi tên. Và Bà đáp bằng tiếng bản xứ “Que soy era Immaculada Concepciou” có nghĩa là “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”.

Bernadette không hiểu những từ này, vậy nên để khỏi quên, em lặp lại suốt cả chặng đường tới nhà cha xứ. Vừa thấy cha, Bernadette thốt lên “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”. Cha xứ không hiểu. Em nói tiếp “Bà ấy đã nói với con như vậy”. Cha xứ bối rối.

Tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội được Đức Giáo hoàng Pio IX công bố 4 năm trước đó, ngày 08/12/1854. Bernadette thất học, còn chưa học giáo lý, chưa xưng tội. “Con có hiểu câu đó nghĩa là gì không?”. “Con có nghe nhầm không?”. “Chắc con đã nghe ở đâu”.

Và khi Bernadette nói sự thật rằng em không hiểu ý nghĩa những lời đó, cũng như chưa từng nghe ở đâu, thì cha cho em về. Và cha đã hiểu những gì Bernadette nói là sự thật.

Thông điệp của Đức Mẹ Lộ Đức

Ngày 25/03 là Lễ Truyền tin. Nhân ngày mừng kính một trong những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử ơn cứu độ khi sứ thần của Thiên Chúa truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ đã tự mình xác tín Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy trong 18 lần Đức Mẹ hiện ra có tới 14 lần nhằm vào Mùa Chay. Trong Mùa Chay, Đức Mẹ đã kêu gọi sự sám hối và cầu xin Chúa ơn hoán cải các tội nhân. Mẹ cũng kêu gọi chúng ta tới uống nước từ nguồn nước này và rửa mình. Lời mời gọi uống nước và rửa mình của Mẹ không chỉ có ý nghĩa cho cơ thể mà quan trọng hơn uống nước sự sống và rửa sạch tâm hồn mỗi người.

Đó chính là thông điệp của Đức Mẹ tại Lộ Đức.

Filumena đã được lắng nghe một linh mục diễn giả tại Thánh địa đồng thời là thường xuyên ngồi tòa giải tội. Đối với cha, những phép lạ lớn nhất mà cha thấy mỗi ngày không phải là việc mọi người được ban ơn lành khi tới cầu xin Đức Mẹ tại Lộ Đức, mà là việc mỗi ngày cha chứng kiến những con người rửa tâm hồn mình thông qua Bí tích Hòa giải.

Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức có thể biến đổi, chữa lành một con người từ bên trong như vậy, chứ không chỉ là chữa lành những bệnh tật thể lý bên ngoài. Tòa giải tội nằm ngay bên cạnh quảng trường Đức Mẹ Mân Côi.

Từ ngày hôm đó, việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức được Giáo hội Công giáo nhìn với một cách khác. Đức Giám mục thành lập hội đồng điều tra biến cố này. Đặc biệt, những phép lạ chữa lành đầu tiên đã được ghi nhận.

Ngày 18/01/1862, Giám mục Bertrand-Sévère Laurence đại diện Giáo hội Công giáo công nhận việc Đức Mẹ hiện ra 18 lần với Bernadette Soubirous tại Lộ Đức. Đồng thời, 7 phép lạ chữa lành đầu tiên cũng được công nhận.

giao hoi cong nhan duc me hien ra o lo duc scaled e1695580132404
Giáo hội công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức

Các phép lạ chữa lành

Theo thống kê, có tới 5000 phiên bản tái hiện hang đá Massabielle trên toàn thế giới. Kể từ năm 1858, tất cả các Giáo hoàng đều tới hành hương Đức Mẹ Lộ Đức. Năm 2020, khi thế giới đang trong dịch Covid, Đức Giáo hoàng Phanxico đã tới cầu nguyện tại hang Đức Mẹ Lộ Đức tại Roma. Tất cả người Công giáo đều biết việc được ban ơn lành khi tới cầu nguyện Đức Mẹ tại Lộ Đức.

Ngay từ ngày đầu tiên khi Đức Mẹ chỉ cho Bernadette nguồn nước, đã có nhiều người được chữa lành khi uống hoặc rửa mình bằng nước này. Người đầu tiên là ông Louis Bouriette, 54 tuổi, bị hỏng mắt từ 20 năm đã được chữa lành ngay lập tức khi rửa bằng nước này vào ngày 26/02/1858.

Người tiếp theo là bà Catherine Latapie đã được chữa lành cánh tay bị liệt của mình. Cho tới thời điểm hiện tại có 70 việc chữa lành đã được Giáo hội công nhận sau quá trình điều tra kỹ lưỡng.

Việc chữa lành phải đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe như: việc chẩn đoán bệnh là chính xác và chắc chắn, việc chữa lành bằng y học là không thể, người bệnh không sử dụng thuốc chữa trị khác nên việc chữa lành không do các loại thuốc khác, việc chữa lành là ngay lập tức, không thể biết trước, chữa lành toàn bộ, lâu dài, chắc chắn, không có biến chứng, không giải thích được bằng khoa học.

Ngay từ những ngày đầu, việc công nhận phép lạ chữa lành tại Lộ Đức đã qua sự thẩm tra độc lập của bác sỹ. Tới năm 1883, Văn phòng giám định y khoa đã được thành lập và hoạt động liên tục tới nay.

Filumena đã gặp Sơ Bernadette Moriau là người thứ 70 được công nhận việc chữa lành. Sơ Bernadette mắc hội chứng chùm đuôi ngựa từ năm 1996. Bệnh phát triển tới mức Sơ đã bị liệt cả hai chân trong nhiều năm, Sơ phải đeo nẹp ở lưng và chân, tiêm thuốc giảm đau liên tục.

Tháng 7 năm 2008, trong khi đi hành hương Đức Mẹ Lộ Đức, đang lúc đi trong đoàn rước Thánh thể, Sơ Bernadette đã “có một cảm xúc mãnh liệt”, cảm thấy Chúa Giê-su đi giữa mọi người và nghe được trong lòng mình lời sau : “Ta thấy những đau khổ của con và các anh chị em của con. Hãy dâng hết cho Ta”.

Sau khi trở về chuyến hành hương, ngày 11/07/2008, lúc 17h45, cũng đang khi chầu Thánh thể, Sơ có một cảm giác kỳ lạ. “Một hơi ấm đi khắp cơ thể tôi”. Khi hết giờ chầu Thánh thể, Sơ về phòng mình và nghe được tiếng “Hãy tháo nẹp ra”. Với Đức Tin của mình, và nhớ tới lời Chúa Giê-su “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng mà đi”, Sơ đã làm theo. Sơ có thể đứng và đi lại được, và không còn đau đớn.

Trong 8 năm, 300 bác sỹ đã xem xét trường hợp của Sơ Bernadette và không thể lý giải được sự chữa lành này. Tới năm 2016, Giáo hội công bố đây là một phép lạ đã diễn ra tại Lộ Đức.

Năm nay Sơ đã 85 tuổi. Đây là bức hình Sơ đã cho phép Filumena chụp và gửi tới đồng bào của mình tại Việt Nam.

so bernadette moriau lo duc
Sơ Bernadette Moriau là người thứ 70 đã được phép lạ chữa lành sau chuyến hành hương
so bernadette moriau lo duc
Sơ Bernadette Moriau là người thứ 70 đã được phép lạ chữa lành sau chuyến hành hương Đức Mẹ Lộ Đức

Để uống nước và lấy đem về, có những vòi nước chạy dọc phía nhà thờ. Ở gần hang đá có một khu nhà nơi người hành hương có thể tới thực hiện nghi thức rửa mình. Trong đó, sau khi cầu nguyện mọi người được nhận nước 3 lần để rửa tay, rửa mặt và để uống.

Trong Thánh địa có những văn phòng nơi người hành hương có thể tới xin lễ và dâng lời cầu nguyện. Mỗi ngày, vào cuối đám rước Đức Mẹ, thì linh mục chủ tế sẽ cùng cộng đoàn dâng tất cả lời cầu nguyện trong ngày lên Mẹ. Người hành hương có thể đốt nến dâng Mẹ ở một khu vực phía bên kia dòng sông, đối diện hang đá.

Nữ tu Bernadette Soubirous được phong hiển thánh

Năm 1886, Bernadette Soubirous gia nhập dòng Nữ tu Bác ái tại Nevers với một lý do rất đơn giản “Con muốn được chăm sóc người nghèo và người bệnh”. Sơ Bernadette sống đời thánh hiến của mình theo đúng ước nguyện đó. Sơ dành phần lớn thời gian của mình trong bệnh xá hoặc để chăm sóc người bệnh hoặc là người bệnh.

Từ năm 1875, Sơ mắc bệnh lao phổi. Sơ mất ngày 16/04 năm 1879 khi mới 35 tuổi. Xin hãy nhớ lại lời Đức Mẹ đã nói cùng em bé Bernadette: “Mẹ không hứa sẽ cho con hạnh phúc ở đời này mà ở đời sau“.

Năm 1933, Sơ Bernadette đã được tuyên phong hiển thánh vào thời Giáo hoàng Pio XI, không phải bởi vì đã được chứng kiến Đức Mẹ hiện ra mà bởi Đức Tin và sự thánh thiện trong đời sống của mình. Thân xác Thánh nữ Bernadette không hề bị hư nát và ngày nay đang được đặt trong một quan tài bằng pha lê tại Nevers để mọi người có thể tôn kính.

Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức để sống tinh thần bác ái

Điểm ấn tượng nhất với Filumena trong chuyến hành hương Đức Mẹ Lộ Đức năm 2023 chính là sức sống của tinh thần bác ái giúp đỡ lẫn nhau. Filumena cảm nhận rất sống động Tin Mừng khi Giáo hội coi những người đau yếu và nghèo khổ nhất là “kho tàng” của mình, đồng thời tình bác ái giữa con người với nhau được thực thi.

Bên cạnh đó, những giờ phút hòa vào dòng người đi rước kiệu Đức Mẹ, lần hạt Mân Côi, đi rước kiệu và chầu Thánh thể cũng là những giờ phút thật sâu sắc. Chính trong những phút giây đó, mỗi người sẽ cảm thấy rõ ràng nhất một Giáo hội hoàn vũ nơi con người hiệp thông với nhau dù cho mọi khác biệt về tiếng nói, màu da. Cũng chính trong những giờ phút đó, mỗi người có thể được ơn chữa lành không chỉ thể xác mà cả tâm hồn mình.

Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức quả thật là một chuyến đi có thể thay đổi cuộc đời một con người.

Xem thêm:

Tượng Đức Mẹ Lộ Đức chụp cận cảnh

Tượng Đức Mẹ Lộ Đức

10% giá trị mỗi tác phẩm là đóng góp của quý vị để bảo vệ Sự sống, giúp đỡ người nghèo, người bệnh và nâng đỡ trẻ em khó khăn